TẮM NƯỚC LÁ MÙI GIÀ: PHONG TỤC CHỨA ĐỰNG BAO ĐIỀU TỐT ĐẸP CỦA MỘT CHIỀU TẤT NIÊN
Bên cạnh nồi bánh chưng thơm phức, đĩa mứt ngon và mâm cơm thịnh soạn, còn một phong tục nữa không thể thiếu trong ngày Tết, đó là tắm nước lá mùi già.
Tắm nước lá mùi già vào ngày tất niên là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Nó được truyền qua biết bao thế hệ. Chưa tắm lá mùi già thì Tết vẫn còn chưa đến. Chưa tắm lá mùi già thì cơ thể và tinh thần chưa được gột sạch để đón năm mới.
Theo quan niệm của Đông Y, các loại cây cỏ được xem như bài thuốc chữa bệnh. Mùi già cũng không phải ngoại lệ. Nhiều lương y cho biết mùi già chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Bởi vậy tắm nước mùi già giúp giải tỏa căng thẳng thần kinh, lưu thông khí huyết và loại bỏ độc hại. Mùi già mang tính ấm, khi ngửi bạn sẽ thấy mùi hơi ngan ngát và có vị cay, quả thực rất thích hợp để tắm rửa trong một chiều lạnh giá.
(Ảnh: hanoimoi)
Có thể chúng ta chẳng hiểu sâu về mùi già ở khía cạnh y học, chỉ biết một điều rằng, khi ngửi hương thơm của lá mùi già, bản thân cũng thấy sảng khoái, dễ chịu hơn bao giờ hết. Và sau khi tắm xong, ai cũng thấy cả cơ thể lẫn tâm trí đều nhẹ nhõm, không còn mệt mỏi. Đó là bởi chúng ta đã được gột rửa, bao nhiêu điều cũ vận xui được gột sạch hết, để bước vào một năm mới với tâm thế tươi vui và tinh khôi.
Thông thường chúng ta sẽ chọn mùi già trổ hoa, thân cây chuyển từ xanh sang nâu tía, đun sôi mùi già rồi pha loãng với nước lã. Một số người còn đun kèm với gừng đập dập và thêm chút muối khoáng để tăng khả năng thanh tẩy. Một gợi ý khác là bạn có thể chọn các sản phẩm nước mùi già được bổ sung thêm một số thành phần như tinh dầu mùi già và nước sả chanh.